Từ 2025, dễ dàng chuyển đổi đất nông nghiệp lên đất ở theo Luật mới: Người dân cần nắm rõ
- Nhận đường liên kết
- Ứng dụng khác
Hiện nay, khi dân số ngày một phát triển thì nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở của người dân vẫn rất lớn. Theo Luật Đất đai mới, việc chuyển đổi này liệu có dễ dàng hơn không?
Hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư/trong cùng thửa đất hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt (khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai 2024).
Trong đó, đất nông nghiệp bao gồm các loại sau:
– Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác (thường được gọi là đất ruộng)
– Đất trồng cây lâu năm;
– Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
– Đất nuôi trồng thủy sản;
– Đất chăn nuôi tập trung;
– Đất làm muối;
– Đất nông nghiệp khác.
Đối chiếu với quy định hiện hành tại Điều 52 Luật Đất đai 2013, căn cứ để chuyển mục đích sử dụng đất là:
– Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt.
– Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo đó, từ năm 2025, căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (trong đó có đất ruộng) lên đất ở là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thay vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm. Mà quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được hiểu là việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và khoanh vùng đất đai cho các mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện trong vòng 10 năm (tầm nhìn 20 năm). Còn kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được ban hành hằng năm.
Qua đây, có thể thấy, căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở theo Luật Đất đai 2024 đã mở rộng hơn so với quy định hiện nay nên khả năng được chuyển mục đích sử dụng đất cũng dễ hơn phần nào.
Trình tự, thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở hiện nay
Hiện nay, thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở được tiến hành theo quy định Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đất đai:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định
Căn cứ Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:
– Đơn xin chuyển mục đích s dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Theo khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai quy định về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ như sau:
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
– Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 59 của Luật Đất đai 2013;
– Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 59 của Luật Đất đai 2013.
Bước 3: Xử lý, giải quyết yêu cầu
Theo khoản 2 Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đất đai 2013:
– Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
– Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Bước 4: Trả kết quả
Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sau khi hộ gia đình, cá nhân nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế (xuất trình biên lai đã nộp tiền khi nhận quyết định).
Thời gian thực hiện thủ tục: Căn cứ khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian giải quyết không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
- Nhận đường liên kết
- Ứng dụng khác